Tháo gỡ “nút thắt”, đẩy nhanh tiến độ Dự án Trường đua Thiên Mã – Mađagui

Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn do Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Madagui làm chủ đầu tư, được triển khai tại huyện Đạ Huoai với tổng vốn thực hiện là 1.548 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 12 dự án trọng điểm được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vừa mới được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Madagui về việc tháo gỡ các “nút thắt”, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn đang được Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Madagui triển khai thực hiện tại huyện Đạ Huoai
Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn đang được Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Madagui triển khai thực hiện tại huyện Đạ Huoai

“Đây là một dự án chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, cả về chính sách lẫn chủ trương, phải vừa làm vừa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm mở ra một thị trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng và hội nhập với xu thế ngày càng phát triển về môn thể thao quý tộc, đẳng cấp là đua ngựa, đua chó.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong được các cấp có thẩm quyền sớm thông qua các thủ tục đầu tư để Công ty đẩy nhanh việc triển khai xây dựng, sớm hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động.

Qua đó, tạo công ăn việc làm, đóng góp ngân sách địa phương và khẳng định môn thể thao đẳng cấp này ở Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng trên bản đồ du lịch thế giới” – ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui cho biết.

Phóng viên: Theo như tôi được biết, Dự án Trường đua ngựa Mađagui là một tổ hợp về đua ngựa giải trí và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, ông có thể giới thiệu rõ hơn về tổ hợp dự án này?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui:

Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000731 ngày 29/01/2011, chứng nhận lần đầu ngày 12/07/2021 với diện tích thực hiện dự án 69,8 ha. Ngày 22/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án này tiền thân là một dự án bao gồm các phân khu: Trung tâm nuôi, huấn luyện ngựa; sân golf và trường đua ngựa trên tổng diện tích hơn 335 ha. Mục tiêu ban đầu của dự án là huấn luyện và cung cấp ngựa cho dịch vụ đua ngựa giải trí của Công ty tại Trường đua Phú Thọ – TP Hồ Chí Minh và các liên đoàn đua ngựa thế giới, bên cạnh các dịch vụ về du lịch là đánh Golf và nghỉ dưỡng.

Do xu thế phát triển của môn thể thao cưỡi ngựa và điều kiện khí hậu đặc thù của vùng đất Đạ Huoai đặc biệt phù hợp cho giống ngựa đua thuần chủng nên HĐQT Công ty đã điều chỉnh và tách biệt các lĩnh vực về môn thể thao này nhằm phát huy tối đa thế mạnh của giống ngựa đua thuần chủng để mang lại hiệu quả đầu tư tối ưu nhất.

Chính vì vậy, dự án tổng thể hơn 335 ha đã được chia tách thành 3 dự án độc lập bao gồm: Dự án Trung tâm nuôi, huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai; Dự án Sân Golf Hồng Lam Mađagui và Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã – Mađagui, CLB Polo và ngựa biểu diễn.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án trong chuyến công tác và làm việc tại 3 huyện phía Nam
Đồng chí Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án trong chuyến công tác và làm việc tại 3 huyện phía Nam

Phóng viên: Trong quá trình triển khai dự án, Công ty đã gặp những khó khăn mang tính “nút thắt” nào khiến tiến độ đầu tư chưa đạt như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui:

Đây là một dự án chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, cả về chính sách lẫn chủ trương, phải vừa làm vừa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên trong quá trình triển khai đã gặp phải rất nhiều các vướng mắc cũng như “nút thắt” cần được sớm tháo gỡ.

Thứ nhất, về đất đai, quỹ đất thực hiện dự án không phải trường hợp nhà nước thu hồi mà là do Công ty tự thương lượng, bồi thường giải phóng mặt bằng với các hộ dân nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối thoại, thương lượng. Công ty đã nỗ lực thực hiện cùng với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đến nay đã bồi thường được hơn 290 ha bao gồm 222,1 ha đất đã hết thời hạn sử dụng, được UBND tỉnh thu hồi và cho Công ty thuê để thực hiện dự án và 68,3 ha đất có sổ, còn hạn sử dụng; trong đó, có 10.500 m² đất ở (gồm 7.552 m² đã được UBND huyện Đạ Huoai thu hồi và cho thuê tại Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 và 2.948 m² do Công ty thương lượng bồi thường sau năm 2008).

Thứ 2 là về quy hoạch, Dự án Trường đua ngựa đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 năm 2014. Công ty đã đầu tư thực hiện và khai trương đường đua 1.200 m năm 2017. Năm 2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 15-16 quy định chuyên môn về tiêu chuẩn trọng tài, giám sát, cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua ngựa, đua chó để kinh doanh đặt cược. Theo đó, quy hoạch 1/500 được duyệt năm 2014 không còn phù hợp, Công ty phải tiến hành điều chỉnh. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch thì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mất 2 năm bị đình trệ, đến năm 2023, Công ty mới điều chỉnh xong quy hoạch 1/500 của dự án.

Đại diện nhà đầu tư trao đổi các vấn đề liên quan đến Dự án Trường đua ngựa với Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng
Đại diện nhà đầu tư trao đổi các vấn đề liên quan đến Dự án Trường đua ngựa với Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng

Thứ 3 là về điều chỉnh dự án đầu tư, bổ sung chủ trương đặt cược. Do đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, mặc dù được phê duyệt dự án năm 2011 nhưng đến năm 2017 mới có Nghị định số 06 hướng dẫn về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Khi đó, công ty mới có cơ sở để nộp hồ sơ bổ sung mục tiêu đặt cược. Tại thời điểm này, hồ sơ bổ sung mục tiêu đặt cược không đủ điều kiện xem xét do không phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đến năm 2020, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, UBND tỉnh mới có căn cứ để thực hiện và điều chỉnh quy hoạch kinh tế – xã hội tỉnh; trong đó, có bổ sung dự án trường đua ngựa có kinh doanh đặt cược và Công ty phải nộp lại hồ sơ xin bổ sung mục tiêu đặt cược. Sau đó, hồ sơ được Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt; đồng thời, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh rà soát lại các vấn đề còn tồn đọng tại dự án để báo cáo Thủ tướng.

Hiện, chủ đầu tư đang nuôi và huấn luyện hàng chục con ngựa thuần chủng
Hiện, chủ đầu tư đang nuôi và huấn luyện hàng chục con ngựa thuần chủng

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương phối hợp với Công ty để rà soát các vấn đề tồn đọng tại dự án, báo cáo UBND tỉnh trả lời Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đến nay, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương, Công ty đã hoàn thành toàn bộ các nội dung cần rà soát như điều chỉnh mục tiêu đầu tư, tiến độ đầu tư; chuyển mục đích sử dụng đất; nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính; xin phép xây dựng; khắc phục các tồn đọng về xây dựng…, và Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã tổng hợp và có báo cáo UBND tỉnh để trả lời Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Vấn đề “nút thắt” ở đây là sự chồng chéo giữa các thủ tục, quy định đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương cũng như nỗ lực rà soát, khắc phục các tồn tại của chủ đầu tư. Điển hình như để điều chỉnh dự án đầu tư thì phải bổ sung giấy phép xây dựng cho các hạng mục đã thi công phục vụ đua ngựa thí điểm theo Văn bản số 1202/UBND-VX2 ngày 03/3/2017 (tại thời điểm xây dựng, các hạng mục này thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng); để bổ sung được giấy phép xây dựng thì phải chuyển mục đích sử dụng đất; để chuyển được mục đích sử dụng đất thì dự án phải còn tiến độ thực hiện trong khi đó dự án đang xin điều chỉnh dự án đầu tư, tiến độ thực hiện.

Phối cảnh 3D công trình khán đài Trường đua ngựa Thiên mã với sức chứa từ 5.000 - 7.000 người cùng lúc
Phối cảnh 3D công trình khán đài Trường đua ngựa Thiên mã với sức chứa từ 5.000 – 7.000 người cùng lúc

Phóng viên: Như ông đã trao đổi, đây là dự án chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Vậy khi đầu tư vào dự án này thì mục tiêu về hiệu quả kinh doanh cũng như ý nghĩa phát triển kinh tế – xã hội tại địa bàn triển khai dự án mà Công ty đặt ra là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui:

Địa bàn thực hiện dự án đầu tư là một trong những địa bàn trọng điểm, thuộc vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay chủ yếu đi nương rẫy, trồng cà phê, điều, nay một số ít chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sầu riêng, phần lớn vẫn chủ yếu làm nông nghiệp 1 năm 1 vụ. Với nhu cầu về lực lượng lao động, dự án sẽ thu hút lao động địa phương và các vùng phụ cận, góp phần tạo công ăn việc làm rất lớn cho địa phương.

Ngoài ra, khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, dự kiến sẽ cần lượng nhân sự làm việc tại 3 dự án rất lớn; trong đó, Dự án Sân golf thu hút 420 lao động, Dự án Trung tâm nuôi – huấn luyện ngựa thu hút 660 lao động và Dự án Trường đua ngựa thu hút khoảng 3.000 lao động (bao gồm cả làm việc trong và ngoài trường đua). Dự kiến, tổng thu nhập doanh nghiệp trong 32 năm sẽ đạt hơn 1.766 tỷ đồng, thuế VAT dự kiến sẽ hơn 4.668 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là hơn 10.459  tỷ đồng.

Mặt khác, dự án đi vào hoạt động sẽ đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui trình bày những khó khăn khi thực hiện dự án tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ I năm 2024
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui trình bày những khó khăn khi thực hiện dự án tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ I năm 2024

Phóng viên: Với những khó khăn, trở ngại đang gặp phải trong quá trình triển khai đầu tư, ông có kiến nghị hay đề xuất gì để dự án sớm đi vào hoạt động và đạt được mục tiêu đề ra?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui:

Đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa thu được một khoản lợi nhuận nào từ dự án này. Trong khi đó, tổng mức đầu tư cho cụm dự án đến nay đã hơn 315 tỷ, đó là sự thiệt thòi rất lớn cho công ty. Đến nay, hành lang pháp lý đã có, các nghị định, thông tư hướng dẫn đã có, các “nút thắt” đã dần được tháo gỡ, mọi vướng mắc, tồn tại cần phải xử lý cho phù hợp với quy định thì công ty đã hoàn thành 100%. Qua đây tôi cũng kính mong UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn để Công ty triển khai sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Mặt khác, theo quy định trước đây, Dự án Trường đua ngựa chỉ được tổ chức 1 tuần 1 ngày đua và quy hoạch dự án chưa có trường đua chó. Theo đó, Dự án Trung tâm nuôi – huấn luyện ngựa được quy hoạch chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu 1 tuần tổ chức 1 ngày đua với lượng khách khoảng 1.500 người/ 1 tuần. Sau khi nghị định số 06/2017/NĐ-CP ra đời, số trận đua tăng lên 6 ngày/1 tuần; trong đó 3 ngày đua ngựa, 3 ngày đua chó và dự án được điều chỉnh có bổ sung hạng mục trường đua chó, sân thi đấu Polo, cưỡi ngựa biểu diễn, cưỡi ngựa băng đồng dẫn đến số lượng, sự đa dạng về khách du lịch, vận động viên thi đấu… sẽ tăng lên khoảng 10.500 người/1 tuần.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui

Số liệu thống kê thực tế về lượng khách đến xem thi đấu đua ngựa, đua chó tại các trường đua mà Công ty đã tổ chức tại Trường đua chó Lam Sơn – TP Vũng Tàu thì trung bình 2.500 – 3.000 người; Trường đua chó Xuân Thành – Hà Tĩnh thu hút 6.000 người/1 ngày vào dịp cuối tuần, lễ tết; Trường đua ngựa Phú Thọ TP Hồ Chí Minh trung bình 1 ngày khoảng 4.000 – 5.000 người. Số liệu thống kê nêu trên chỉ là khách đến xem đua chó, đua ngựa, chưa kể đến khách du lịch quốc tế, các vận động viên đến xem và thi đấu, tranh tài ở những sự kiện thể thao quốc tế như SeaGame, ASIAD, Olympic với các bộ môn thể thao như Golf, Polo, cưỡi ngựa biểu diễn, cưỡi ngựa băng đồng,… do đó lượng khách đến với chúng tôi dự kiến sẽ lên đến 20.000 người/ tuần để thi đấu, tham quan, vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, ngoài đua ngựa, đua chó là môn thể thao dành cho những người đam mê tốc độ nói riêng, cưỡi ngựa thể thao nói chung là một bộ môn dành cho hầu hết giới thượng lưu, quý tộc. Điển hình như Polo, cưỡi ngựa biểu diễn, cưỡi ngựa nhảy sào với những tiêu chuẩn khắc khe, chuẩn chỉ từ phục trang, đến yếu tố kỹ thuật thi đấu và những con ngựa thuần chủng trị giá lên đến hàng triệu, chục triệu USD. Khi tổ chức các sự kiện lớn như Olympic, các giải đấu thuộc liên đoàn Polo thế giới sẽ kéo theo tầng lớp thượng lưu, quý tộc, tương ứng với đó là các dịch vụ cung cấp cũng cần phải nâng tầm để phù hợp với đối tượng khách hàng này.

Ngoài ra, còn có sân Golf 18 lỗ, nằm trong quần thể khu vui chơi giải trí. Đây cũng là bộ môn, thú vui giải trí thuộc giới thượng lưu, các doanh nhân thành đạt, giàu có thường sử dụng. Chính vì vậy cần bổ sung thêm các khách sạn 3 – 5 sao, các dinh thự biệt lập, được quản lý bởi các đơn vị vận hành danh tiếng trên thế giới để cung cấp các dịch vụ đẳng cấp cho giới thượng lưu, quý tộc.

Do đó, công ty rất mong được các cấp, ngành chức năng sớm thông qua quy hoạch 1/500 để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện các hạng mục. Qua đó đưa dự án sớm đi vào hoạt động, phát huy được tối da tính hiệu quả về đầu tư cũng như đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202406/thao-go-nut-that-day-nhanh-tien-do-du-an-truong-dua-thien-ma-madagui-25a11ae/

Translate »